Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa ban hành 2 quyết định phê duyệt SGK lớp 7, lớp 10. Trong đó, SGK lớp 10 với 44 đầu sách bao gồm 14 môn học và hoạt động giáo dục được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Có 2 SGK Ngữ văn và 2 sách Toán thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh diều; các bộ môn và hoạt động giáo dục gồm: Lịch sử, Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý, Hóa học, Sinh học và Âm nhạc, Tin học, Hoạt động trải nghiệm đều có 2 đầu sách.
Bản mẫu SGK lớp 3
Riêng SGK Tiếng Anh nhiều nhất với 9 đầu sách của 4 nhà xuất bản khác nhau; 8 đầu sách Giáo dục thể chất; 1 sách Mỹ thuật; 4 sách Công nghệ. Thời gian tới, các địa phương sẽ lập Hội đồng lựa chọn SGK, sau đó đăng ký với các nhà xuất bản để được tập huấn, cung ứng sách trước khai giảng năm học mới.
Đối với lớp 7, danh mục SGK bao gồm 40 cuốn thuộc 12 môn học và hoạt động giáo dục. Trong đó, có 3 sách Ngữ Văn, 3 sách Toán; 9 sách tiếng Anh; 2 sách Lịch sử và Địa lý; 2 sách Khoa học tự nhiên; 3 sách Giáo dục công dân; 3 sách Âm nhạc; 3 sách Công nghệ; 3 sách Giáo dục thể chất; 3 sách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; 4 sách Mỹ thuật và 2 sách Tin học.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 43 SGK lớp 3 của 11 môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới áp dụng từ năm học 2020-2021 là năm đầu tiên đối với lớp 1; năm học 2021-2022 là năm thứ 2 đối với lớp 2, lớp 6; và năm tới 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Chương trình được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu. Qua 2 năm thực hiện chương trình GDPT mới, năm đầu tiên, phụ huynh và dư luận phản ứng SGK Tiếng Việt 1 có nhiều “sạn”, bài học được thiết kế nặng nề... buộc Bộ GD&ĐT phải có bộ tài liệu chỉnh sửa; cho phép giáo viên linh hoạt, chủ động dạy học.
Riêng đối với lớp 2, lớp 6 triển khai trong điều kiện nhiều địa phương ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, phải học trực tuyến, truyền hình đến nay chưa có đánh giá. Nhiều trường tiểu học, THCS tại Hà Nội cho biết, sau khi hết một học kỳ học trực tuyến, thiết bị trường học phục vụ chương trình GDPT mới đã được đưa đến các nhà trường nhưng vẫn ở tình trạng “đắp chiếu” do học sinh chưa thể đến trường. Từ sau Tết nguyên đán, Hà Nội mới chỉ cho học sinh học trực tiếp gồm các khối lớp: 1-12 ở 18 huyện, thị xã; học sinh lớp 7-12 ở các quận nội thành.
Nguồn tin: tienphong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn