Học sinh cần ôn tập kỹ các sự kiện, nhân vật lịch sử và mốc thời gian nổi bật trong chương trình Lịch sử lớp 9.
Gợi ý cách ôn môn Lịch sử khi thi vào lớp 10 GỢI Ý CÁCH ÔN TẬP MÔN LỊCH SỬ KHI THI VÀO LỚP 10 Học sinh cần ôn tập kỹ các sự kiện, nhân vật lịch sử và mốc thời gian nổi bật trong chương trình Lịch sử lớp 9. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố môn thứ tư trong kỳ thi vào lớp 10 là Lịch sử. Bài thi theo hình thức trắc nghiệm, 40 câu, thời gian 60 phút. Kiến thức bao trùm toàn bộ chương trình sách giáo khoa lớp 9. Nắm cấu trúc đề thi Đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình Lịch sử lớp 9. Các câu hỏi chủ yếu thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng, không có câu hỏi vận dụng cao. Đề thi kiểm tra học sinh khả năng ghi nhớ các sự kiện, nhân vật lịch sử và mốc thời gian nổi bật. Bên cạnh đó các em cần nắm những điểm nổi bật của từng giai đoạn lịch sử, có cái nhìn tổng quát xuyên suốt cả thời kỳ lịch sử để trả lời những câu hỏi liên chuyên đề.
Tỷ lệ câu hỏi về lịch sử Việt Nam chiếm khoảng 70% kiến thức đề thi. Tuy nhiên, học sinh không nên bỏ qua phần lịch sử thế giới vì các câu hỏi ở phần này dễ lấy điểm.
Định hướng ôn tập phần lịch sử thế giới Theo đề thi minh họa, tổng số câu hỏi của phần lịch sử thế giới là 13 câu, chiếm 32,5% số lượng câu hỏi của đề thi. Có 9 câu hỏi nhận biết và 4 câu hỏi thông hiểu thuộc phần kiến thức này. Các câu hỏi phần lịch sử thế giới trải đều, không bỏ qua chuyên đề nào. Phần chuyên đề có ít câu hỏi nhất là Quan hệ quốc tế từ năm 1945 đến nay và Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật từ năm 1945 đến nay. Mỗi chuyên đề có một câu hỏi, xoay quanh kiến thức cơ bản như cơ sở hình thành trật tự hai cực Ianta và thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Chuyên đề có chứa nhiều câu hỏi nhất là các nước Á, Phi, Mĩ La-tinh từ năm 1945 đến nay với 5 câu hỏi, tập trung vào phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Á - Phi - Mỹ Latinh sau năm 1945. Dạng câu hỏi chủ yếu là kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức cơ bản. Bên cạnh đó học sinh cũng cần lưu ý dạng bài so sánh đặc điểm giống nhau hoặc tìm ra điểm khác biệt cơ bản, ví dụ tìm điểm khác nhau cơ bản giữa phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Phi và Mĩ Latinh. Phần Lịch sử thế giới không có câu hỏi liên chuyên đề hoặc vận dụng thực tế, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa sẽ đạt điểm tối đa phần này. Định hướng ôn tập phần lịch sử Việt Nam Cũng theo đề minh họa, tổng số câu hỏi của phần kiến thức này là 27 câu chiếm 67,5% tổng số câu hỏi của đề thi. Có 16 câu nhận biết, 10 câu thông hiểu và một câu vận dụng thuộc phần kiến thức này. Việt Nam những năm 1919 - 1930 và Việt Nam những năm 1945 - 1954 là chuyên đề có chứa nhiều câu hỏi và đều là câu nhận biết, thông hiểu. Việt Nam trong những năm 1975 - 2000 là chuyên đề chứa ít câu hỏi nhất nhưng đều là câu hỏi khó, đòi hỏi khả năng suy luận và tổng kết đánh giá của học sinh. Những câu hỏi nhận biết kiểm tra khả năng ghi nhớ thời gian, sự kiện và nhân vật lịch sử, xoay quanh các vấn đề cơ bản của từng giai đoạn: cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, hoạt động của Nguyễn Ái Quốc... các nhân vật lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh, tướng Đờ Ca-xtơ-ri... các mốc thời gian và địa điểm như: ngày 19/8/1945, ngày 10/10/1954, địa điểm diễn ra hội nghị thành lập Đảng. Những câu hỏi thông hiểu, học sinh phải lý giải được nguyên nhân sự kiện như: nguyên nhân Mỹ dính líu sâu vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương, so sánh để tìm ra điểm nổi bật như so sánh hai cuộc khai thác thuộc địa. Câu hỏi vận dụng yêu cầu học sinh tổng kết kiến thức từ khi thành lập Đảng đến nay để tìm ra nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng nước ta. Căn cứ theo phân tích và định hướng ở trên, ngay từ thời điểm này, học sinh cần xây dựng kế hoạch học tập phù hợp trong thời gian còn lại để đạt kết quả tốt trong kỳ thi vào 10 sắp tới.