Học sinh thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội vừa qua
Giáo viên H.T.P chấm thi môn toán nói, trong hai ngày vừa qua, bài thi của thí sinh chủ yếu đạt ở mức 7-8 điểm, chưa có điểm liệt, dưới 5 điểm cũng rất ít. Đồng thời, cũng đã có một số bài thi đạt điểm 10. Theo giáo viên H.T.P, đề thi toán năm nay được đánh giá vừa sức với học sinh nên các em làm bài khá tốt. Tuy nhiên, giáo viên P cho rằng cũng có thể hai ngày qua, những túi bài thi nhận được là học sinh ở những trường tốp của Hà Nội, nên điểm đẹp.
“Môn toán thường được đánh giá là môn phân hóa học sinh của Hà Nội. Những năm qua, đề thi toán thường làm khó thí sinh. Tuy nhiên, năm nay, chủ trương chung của ngành là giảm tải, cùng với việc học sinh phải nghỉ học dài ngày do giãn cách xã hội nên đề thi toán không làm khó các em. Nên tôi tin phổ điểm sẽ cao”, giáo viên H.T.P nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sở huy động 1667 giáo viên làm công việc chấm thi lớp 10. Với những giáo viên ở xa, sẽ nghỉ tại khu vực gần điểm chấm thi hoặc nhà người quen. Cũng theo ông Quang, hai ngày vừa qua, ban chấm thi chưa nhận được thắc mắc hay băn khoăn từ phía giám thị liên quan đến đáp án hay bất cứ vấn đề gì. Trước câu hỏi môn ngữ văn những năm trước thường có lo lắng về tình trạng chấm không đều tay, ông Quang nói, môn ngữ văn năm nay dễ chấm nên sẽ hạn chế được băn khoăn trên.
“Dễ ta, dễ người”
Học sinh Hà Nội kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT (không chuyên) với tâm lý chung là “thở phào nhẹ nhõm” khi không chỉ được giảm số môn thi mà mức độ khó của đề thi năm nay đều giảm so với trước.
Một số giáo viên của cả ba môn toán, văn, ngoại ngữ đều dự báo điểm thi năm nay sẽ cao. Tuy nhiên, thầy cô và học sinh đều hiểu rằng “dễ người, dễ ta”. Đề dễ, điểm cao thì đương nhiên điểm chuẩn sẽ phải nâng lên.
Nhiều năm nay, Hà Nội giữ chỉ tiêu tuyển sinh vào trường THPT công lập khoảng trên 60% so với tổng số HS tốt nghiệp THCS. Năm nay chỉ tiêu này chiếm khoảng 62%, với 66.492 HS cho 111 trường THPT công lập trên toàn thành phố. Như vậy, điểm thi cao thì Hà Nội sẽ phải tính toán ở mức điểm chuẩn cao tương ứng để chọn học sinh có điểm từ cao xuống cho đến khi hết chỉ tiêu.
Tỷ lệ chọi vào các trường THPT tốp đầu ở Hà Nội vốn đã căng thẳng, năm nay càng tăng thêm khi nhiều trường có tỷ lệ đăng ký nguyện vọng (NV) 1 tăng đến 20% so với năm trước. Cao nhất là Trường THPT Chu Văn An có tỷ lệ chọi 1/3,4 trong khi năm trước là 1/2,4; tiếp đến là Kim Liên với 1/2,6; Yên Hòa 1/2,4; Phan Đình Phùng, Lê Quý Đôn (Hà Đông) đều có tỷ lệ chọi 1/2,3.
Các trường tốp đầu khác như Việt Đức và Trần Phú (Hoàn Kiếm) đều có số lượng đăng ký dự tuyển NV1 tăng khoảng 15% so với năm trước, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh không thay đổi đáng kể. Những trường như Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái, Kim Liên năm nay số chỉ tiêu được giao giảm từ 2 - 3 lớp nhưng số học sinh đăng ký NV1 lại có xu hướng tăng.
PGS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) nói, với đặc thù của kỳ thi tuyển sinh lớp 10, đề thi quá dễ hay quá khó đều không phải là một đề thi tốt. Một đề thi tốt là xây dựng được bảng ma trận cấu trúc đề thi đánh giá được kiến thức kỹ năng cơ bản nhất mà cấp học yêu cầu.
Đề thi cũng phải đảm bảo độ phân hóa, các ý phải có độ khó tăng dần lên, phân loại được học sinh trung bình với khá, khá với giỏi và giỏi với xuất sắc, chứ không phải đánh đồng tất cả học sinh. Đề thi không phân loại được sẽ rất khó khăn cho các trường THPT trong việc tuyển đầu vào. Đề dễ, phổ điểm càng cao thì càng khó phân hóa học sinh giỏi với học sinh khá, trung bình, thiệt thòi cho nhóm học sinh giỏi.
Nguồn tin: www.24h.com.vn/
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn