BÀI VIẾT VỀ TẤM GƯƠNG NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT - Bài 8

Chủ nhật - 15/11/2020 04:04
BÀI VIẾT VỀ TẤM GƯƠNG NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT - Bài 8

          Cụm từ “Người gác đền” không phải chỉ được dùng trong bóng đá. Đó là cái tên mà chúng tôi thân yêu đặt cho bác bảo vệ của trường - Bác Lân. Chúng tôi thật may mắn khi được làm việc với bác - người gác đền tuyệt vời của chúng tôi!
           Bao cảm xúc mà chỉ đến trường mới có. Cảm xúc về đồng nghiệp, về học sinh, và cảm xúc về người một người anh, người bác – người “gác đền” của chúng tôi thật giản dị và thân thương. Bác Lân! Đó là người mà tôi muốn dành trọn những trang viết này về bác!
           Bác Lân không phải là thầy giáo, bác là người mà các con học sinh gọi với cái tên trìu mến đầy tin tưởng: “Bác bảo vệ”. Đối với chúng tôi, bác Lân chính là “lũy làng” là “người gác đền” chắc chắn nhất.
            Tôi còn nhớ lần đầu tiên đến trường THCS Mai Dịch, người đầu tiên tôi gặp là bác. Với nụ cười thân thiện luôn nở trên môi, bác đã giúp tôi cảm thấy rõ ràng mình được chào đón, mình là thành viên của ngôi trường mới này. “Vạn sự khởi đầu nan, ấn tượng ấm áp của ngày đầu ấy tôi luôn ghi trong lòng và tôi cũng luôn nhắc nhở mình hãy mang tặng nụ cười chân thành cho tất cả mọi người như bác Lân. Rất tự nhiên, tôi thấy yêu và gắn bó với trường, với lớp.
            Công việc bảo vệ của bác rất vất vả. Dù nắng hay mưa, những đêm đông giá rét bác vẫn âm thầm kiểm tra từng ổ khóa, từng cánh cửa, từng công tắc đèn… Tất cả đều âm thầm và kiên nhẫn. Nhiều hôm mưa phùn gió rét, bác vẫn cẩn thận cầm theo chiếc đèn pin đi tuần tra từng vị trí trong trường. Ngày xưa ở ngôi trường cũ, chúng tôi còn đơn sơ thiếu thốn mọi thứ. Duy chỉ có tình cảm, nụ cười là bất kỳ thành viên nào trong mái ấm gia đình Mai Dịch cũng đều được nhận từ bác. Có lẽ vì vậy mà theo một thói quen, mỗi khi bước qua cánh cổng vào trường, chúng tôi đều nhìn vào phòng bảo vệ mong được chào bác và được nhận nụ cười đôn hậu của bác. Và chiều muộn khi dời trường về với mái ấm gia đình thì chúng tôi luôn được bác vẫy tay chào tạm biệt, kèm theo nụ cười thân thiện của buổi sáng.
             Bác Lân là một người rất tận tâm với công việc. Công việc chính của bác là ngày ngày bảo vệ trường học, đánh trống và không cho học sinh nào trèo tường, trốn tiết hay bỏ ra ngoài đi chơi... nhưng bác còn bao việc không tên khác. Ai khó khăn gì cũng gọi bác: “Bác Lân ơi, lớp tôi bị hỏng quạt”, “Bác Lân ơi, thay giúp tôi cái bóng đèn”, “Bác Lân ơi, cái máy tính lớp tôi lại nhớ bác”, “Bác Lân ơi, xe cháu hết hơi”, “Bác Lân ơi….”, “Bác Lân ơi….” …. Tiếng gọi thân thương ấy cứ thỉnh thoảng lại vang lên. Ai nhờ gì bác cũng giúp, cũng làm với sự nhiệt tình và nụ cười luôn nở trên môi -  nụ cười ấm áp buổi đầu đến trường tôi đã thấy. Bác làm không biết mệt vì bác quan niệm cho đi hạnh phúc hơn nhận về.
          Với kinh nghiệm lâu năm và tài bao quát, mọi việc lớn nhỏ liên quan tới an ninh, bác đều nắm được: có khi là cánh cửa chưa đóng khi không còn ai làm việc, lúc lại là chiếc xe máy đang rỉ xăng hay một vòi nước trong phòng vệ sinh chưa được khóa, dây điện chập cháy, ổ điện hỏng, máy bơm nước hỏng... Khi phát hiện các chi tiết bất thường, bác đều giải quyết kịp thời. Có bác lo chu toàn mọi việc, chúng tôi yên tâm dạy và học. 
          Bác nhiều việc như vậy nhưng chưa bao giờ tôi thấy bác cáu gắt hay tỏ ra mệt mỏi. Bác luôn sở hữu một nguồn năng lượng tích cực mạnh mẽ, bác có khả năng truyền cảm hứng cho mọi người. Nên dù chỉ là một nhân viên phục vụ nhưng cả trường ai cũng quý và nể phục bác.  
           Một ngày của bác bắt đầu từ năm giờ sáng. Bác đi mở cửa các phòng học. Khi cô trò chúng tôi đến trường, bác đã đón ngay ở cửa ra vào, vừa hướng dẫn xếp xe vừa nhắc nhở mọi người ra vào đúng quy định tránh gây ùn tắc giao thông. Đến chiều tối, cổng trường từ từ khép lại, không khí vắng lặng và yên tĩnh dần, khi tất cả đã về hết chỉ còn lại bác với ngôi trường thì bác lại đi dọc hành lang các lớp để kiểm tra, xem lớp nào chưa tắt điện, khóa cửa lớp, bác lại làm hộ công việc đó. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh thần trách nhiệm cao và có sức khỏe bền bỉ. Bởi ngày nào cũng vậy, ngày nắng cũng như ngày mưa, bác đều phải đi tuần quanh trường. Tối đến, trước khi đi ngủ, bác đều phải tuần tra cả trường lại một lượt rồi mới yên tâm kê lưng, gối đầu. Ban đêm, hễ có tiếng động, bất chấp mưa gió thế nào bác cũng phải dậy kiểm tra. Có bác, chúng tôi thấy an toàn và yên tâm hơn rất nhiều. Nhờ có bác mà ngôi trường trở thành chốn bình yên và luôn rộn rã tiếng cười của thầy- trò.
          Vậy đấy, một người lặng thầm với bao việc “không tên”, nhưng lại luôn ghi vào lòng mỗi thành viên chúng tôi một tình cảm nồng ấm chân thật. Tự nhiên mà chân chất, gần gũi mà ấm áp, thân thương mà gắn bó… Chả hiểu từ bao giờ, sự có mặt của bác trong phòng bảo vệ và dáng đi, cử chỉ của bác trở nên thân thương đến lạ. Chỉ cần một ngày bác Lân không đến trường là các con học sinh sẽ nhốn nháo vì: xe hết hơi, vì quên khóa cửa, vì… nhiều điều khác. Vì thế chúng tôi luôn nói với nhau: Bác Lân chính là “Sếp” quan trọng của cô trò chúng tôi.
           Và các bạn biết không, khi sắc xuân, hương tết tràn ngập từng ngôi nhà, góc phố, khi mọi người đang hướng về sự sum họp gia đình thì đêm giao thừa, bác vẫn lặng lẽ cặm cụi với sự bình an của các phòng học và an toàn cho đường điện, đường nước của trường. Dường như mùa xuân lúc nào cũng ở trong tâm hồn người bảo vệ cần mẫn trách nhiệm này… Túc trực suốt 24 giờ, có lẽ ngôi trường coi bác như người cha luôn chăm sóc, lo lắng cho nó. Người cha ấy gắn bó với ngôi trường từ lúc mái tóc còn xanh cho đến bây giờ đây, trải qua 50 mùa xuân, mái tóc ấy đã phai màu, nhưng tình yêu bác dành cho ngôi trường này thì vẫn xanh nguyên như vậy.
            Ngày hội gia đình trường tôi, Trong khi mọi người vui vẻ, say sưa với hội hè, nâng ly và “dô…dô” thì bác vẫn cần mẫn xử lý thói đỏng đảnh của chiếc âm ly cũ để chúng tôi hát hò. Chúng tôi càng vui bác càng không có thời gian rảnh. Trong cuộc vui kéo dài, dường như chúng tôi cũng quên rằng bác cần được nghỉ. Đến cuối buổi, tôi mới nói một câu: “Ôi, sao bác không vào hát với chúng em một bài cho vui”. Bác đáp cùng nụ cười ấm áp “Các cháu vui là bác vui rồi!”. Giây phút ấy tôi ước sao có cái lỗ nẻ nào để tôi chui xuống bởi tôi tự thấy câu mời ấy thật nhạt nhẽo, vô duyên. Nó không xuất phát từ cái tâm chân thành, một câu của kẻ chỉ quen nhận về, không biết cho đi. Đến bây giờ, nghĩ lại, tôi cũng tự thấy xấu hổ vô cùng. Nhưng tôi cũng biết bác thật lòng không trách ai và đương nhiên bác không muốn tôi phải xấu hổ. Và như thế tôi luôn là kẻ chỉ biết nhận về. Tôi cứ ngủ quên trong sự hưởng thụ mà không hề biết rằng: Bác chính là người “gác đền” là người đón tiếp tất cả các vị khách đến trường đầu tiên. Và ai ra về cũng mang theo cảm giác ấm áp tận tình.
Cũng có rất nhiều phụ huynh vào tận nơi để cảm ơn bác vì bác đã cho con họ gọi điện thoại, chữa xe cho các cháu học sinh… và hơn tất cả bác như một người cha xử lý tất cả các vụ việc để được học sinh được an toàn. Có những lúc ta vui, thì bác chính là người thầm lặng; những lúc ta đi tham quan, bác chính là người âm thầm kiễn nhẫn; những lúc ta gặp khó khăn về điện nước ở trường thì bác chính là người “ra tay” xoay xở. Thật tuyệt vời khi chúng tôi có bác ở bên! Một người anh, người chú, một điểm tựa tinh thần quý giá.
           Tôi đã gắn bó với trường Mai Dịch được 8 năm. Ngần ấy năm tôi khâm phục bác. Có ai đó nói rằng: Nghề bảo vệ lương thấp và mệt lắm! Tôi không biết phải nói như thế nào, nhưng tôi tin bác Lân làm công việc này với một tình yêu và trách nhiệm. Một con người đã từng trải qua những tháng năm quân ngũ chắc hẳn sẽ hiểu và trân trọng từng khoảnh khắc bình yên của cuộc sống. Tôi viết những dòng này thật không mong bác đọc được, bởi đó là những xúc cảm chân thành nhất của tôi dành cho bác. Tôi muốn bác hãy cứ như vậy, cần mẫn và chân thành. Cho dù cuộc đời có đổi thay thì tôi tin bác vẫn thế: Tận tình và lặng lẽ. Tự nhiên tôi nhớ đến bài hát “Vết chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến… Ở bác Lân có cái gì đó là phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ, có cái gì đó rất đàn anh, mà vẫn vui vẻ, đủ cho bọn trẻ vừa sợ vừa yêu quý.
         Còn đối với tôi, một cô giáo đã có gần 20 năm trong nghề, tôi hiểu bác với những hy sinh lớn lao thầm lặng. Bác nhẫn nại lắng nghe các cháu học sinh trình bày lý do khi chúng đánh nhau, bác cũng nhiệt tình khi có cháu học sinh nào muốn gọi nhờ điện thoại cho bố mẹ. “Vui lòng khách đến, chiều lòng khách đi”, đó là điều bác đã làm được ở phòng bảo vệ. Có đôi khi bác sơ ý để cổng mở quá giờ, hoặc có đôi khi bác chiều theo ý của một bạn học sinh “dẻo mồm” nào đó là bác bị phê bình, nhắc nhở. Nhưng bác không buồn bởi bác hiểu rằng, ở đời đôi khi khen chê đâu còn quan trọng nữa. Làm việc bằng chữ “Tâm” mới thật sự là cái gốc tạo nên sự bền vững ở đời. Và chính cách làm việc nhân văn của bác mà bao thế hệ học trò vẫn nhớ bác, mỗi khi trở về thăm trường thăm thầy cô vẫn tìm bác líu lo, cảm ơn tình cảm lắm.
Một mùa đông nữa lại về. Sân trường tôi lại đón thêm những cơn gió mùa đông bắc lạnh giá. Nhưng tôi biết mình sẽ ấm hơn khi đến trường. bởi chỉ cần một cái gật đầu chào nhau khi qua cổng là tôi hiểu rằng: Người anh, người chú của trường vẫn khỏe và chúng tôi luôn được bình yên. Hãy cứ học tập và vui chơi thoải mái, bởi ngoài cổng đã có “lũy làng”, có “người gác đền” miệt mài và kiên nhẫn.
Thời gian sẽ dần trôi qua, vạn vật sẽ đổi thay. Nhưng tôi sẽ vẫn gọi bác bằng cái tên trìu mến: Người gác đền!

                                                                                                             Ngô Thu Trang













 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

32/2020/TTBGDĐT

Điều lệ trường phổ thông

lượt xem: 2442 | lượt tải:0

3280/BGDĐT-GDTrH

Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH về điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT

lượt xem: 1806 | lượt tải:0

26/2020/TT-BGDĐT

Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung Thông tư 58

lượt xem: 2803 | lượt tải:0
Danh sách thành viên
giangtran
Ngày đăng ký: 05/10/2021
trangiang
Ngày đăng ký: 02/12/2020
dinhmen
Ngày đăng ký: 30/08/2018
8A8MD2
Ngày đăng ký: 05/05/2019
phanha
Ngày đăng ký: 18/03/2019
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay4,601
  • Tháng hiện tại40,993
  • Tổng lượt truy cập4,203,683
EduNet
GD Điện tử
Sở DG&ĐT
Network and partners
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây