“Dân ta phải biết sử ta.
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Câu nói mở đầu trong cuốn “Lịch sử nước ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là “lời chỉ dẫn sư phạm” trong dạy và học lịch sử ở các trường học.
Lịch sử địa phương là một bộ phận của lịch sử dân tộc, có quan hệ mật thiết với lịch sử dân tộc. Bất cứ một sự kiện lịch sử dân tộc cũng đều mang tính địa phương vì nó diễn ra ở một địa phương cụ thể với không gian và thời gian xác định. Vì thế, dạy học lịch sử địa phương giúp học sinh hiểu biết về lịch sử hình thành và phát triển, những truyền thống tốt đẹp của quê hương, ý thức về trách nhiệm và bổn phận của mình để góp sức xây dựng quê hương.
Tại quận Cầu Giấy, những năm gần đây, với những cách làm sáng tạo, việc dạy và học lịch sử ở các trường THCS đã có những chuyển biến đáng kể cả về nhận thức, nội dung lẫn phương pháp giảng dạy. Hiểu được những ý nghĩa quan trọng của việc dạy học lịch sử địa phương và thực hiện theo đúng lời dạy của Bác Hồ, trường THCS Mai Dịch đã thực hiện chuyên đề Lịch sử địa phương cho HS khối 6 và khối 8 vào hai ngày 25 và 26/10.
Đến với tiết học chuyên đề “Lịch sử địa phương”, các em học sinh được tìm hiểu về lịch sử hình thành quận Cầu Giấu thông qua việc xem các đoạn video, clip, hình ảnh… Bên cạnh đó, bầu không khí của buổi chuyên đề càng trở nên vui vẻ, sôi nổi hơn khi các em tham gia phần trò chơi “Hôp quà kì diệu”. Học sinh vô cùng thích thú, hào hứng với những câu hỏi ẩn giấu sau mỗi hộp quà, xen lẫn đó là cảm giác tiếc nuối khi mình trả lời chưa đúng. Qua trò chơi, các em thêm hiểu về quá trình hình thành quận Cầu Giấy, những địa danh, món ăn, làng nghề truyền thống nổi tiếng của quê hương mình.
Với buổi học thiết thực này, các em học sinh lại có thêm cơ hội bày tỏ tình yêu với quê hương, đất nước; bổ sung cho mình những kiến thức mới làm hành trang cho con đường học vấn, từ đó hình thành ở các em tình yêu đối với bộ môn Lịch sử.
Dưới đây là một số hình ảnh của tiết học:
Các em học sinh chăm chú trong giờ học
Cô giáo Nguyễn Thị Nga với tiết Lịch sử địa phương khối 6