|
Học sinh trường THCS Mai Dịch chia sẻ hiểu biết về mạng xã hội. |
An toàn trên không gian mạng
Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như hiện nay, việc học sinh sử dụng trang cá nhân, truy cập internet diễn ra phổ biến và ngày càng tăng nhanh. Đặc biệt, học sinh đã tỏ ra khá thành thạo những kỹ năng cơ bản khi sử dụng mạng xã hội với mục đích đúng đắn và mang lại hiệu quả thiết thực cho bản thân.
Tuy nhiên, nhiều học sinh đã mất đi những kỹ năng cơ bản, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn mực, kỹ năng ứng xử. Nguy hiểm hơn, là những hành vi xấu đã và đang có nguy cơ “tấn công” vào giới trẻ khiến bộ phận nhỏ giới trẻ lệ thuộc vào thế giới ảo, sống không có định hướng, không mục đích, thậm chí vi phạm pháp luật.
Do đó, trong những năm qua, các cơ sở giáo dục, nhà trường nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đều dành nhiều sự quan tâm tới việc quản lý hoạt động sử dụng mạng xã hội trong học sinh, sinh viên. Để phòng, chống những tiêu cực từ mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục, nhà trường đã ban hành nhiều quy định, quy tắc sử dụng mạng xã hội.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, để giáo dục đạo đức lối sống và nâng cao hiểu biết cho các em học sinh, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên đề giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Đồng thời, trường THCS Mai Dịch cũng lồng ghép giữa các buổi sinh hoạt ngoại khoá những trò chơi với những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh.
|
Học sinh trường THCS Mai Dịch hào hứng với buổi học về giáo dục kỹ năng sống. |
Đơn cử, sáng 13/2, trường THCS Mai Dịch tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng với chuyên đề: giao tiếp văn minh, lịch sự. “Nhà trường thường tổ chức các chương trình, hoạt động chuyên đề ngoại khoá để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học sinh trong giao tiếp xã hội hàng ngày, ứng xử trên mạng xã hội và văn hoá ứng xử học đường thông qua dạng các câu hỏi, kiến thức dễ hiểu…", cô Nguyễn Thị Thanh Hà nói.
Trong khi đó, để đồng hành cùng các em và đảm bảo an toàn trên không gian mạng, Hệ thống Giáo dục Everest cũng đã thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá với những chuyên đề có ý nghĩa thiết thực, trang bị cho học sinh kiến thức cần thiết trong thời đại 4.0 và đã nhận được sự phản hồi, đánh giá cao từ phụ huynh và Học sinh.
Cụ thể, ngày 13/2, Ban chỉ huy và cán bộ chiến sĩ đội Xây dựng phong trào Bảo vệ An ninh Tổ quốc, Công an quận Bắc Từ Liêm (TP. Hà Nội) đã tới thăm và làm việc với lãnh đạo Hệ thống Giáo dục Everest về việc phối hợp, tổ chức thực hiện chuyên đề: “Tuyên truyền an toàn trên không gian mạng” cho học sinh nhà trường.
Đặc biệt, trong buổi chuyên đề còn có sự chia sẻ của Thượng úy Nguyễn Quốc Vương - Giảng viên Học viện Cảnh sát đã giúp học sinh có cái nhìn thực tế và rõ ràng những hậu quả trong việc sử dụng mạng xã hội để định hướng cẩn trọng và khai thác sử dụng mạng Internet phù hợp lứa tuổi, đúng với Luật An ninh mạng.
|
Thượng úy Nguyễn Quốc Vương - Giảng viên Học viện Cảnh sát cung cấp thông tin cho học sinh. |
Trong buổi chuyên đề, các em học sinh đã có sự trao đổi, tương tác với báo cáo viên để củng cố kiến thức, tăng thêm hiểu biết và bổ sung những kiến thức còn thiếu, giúp học sinh nhận thức được các trang mạng xấu, độc, cảnh giác các thông tin giả, sai sự thật giúp các em không bị lợi dụng, được an toàn và sử dụng không gian mạng lành mạnh, tránh được những hậu quả khôn lường về sau.
Bảo tồn giá trị lịch sử truyền thống
Cùng với kiến thức, an toàn về mạng xã hội thì các nhà trường cũng chú trọng giáo dục và định hướng cho học sinh về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Với trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình) những năm qua, việc giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa địa phương cho học sinh được nhà trường quan tâm, chú trọng góp phần giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh qua việc tích hợp vào các môn học, hoạt động ngoại khóa.
Qua đó, góp phần giúp học sinh có ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử tốt đẹp, đồng thời, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho các em.
Thực hiện Chương trình GDPT mới, nội dung giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc. Theo đó, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Ở cấp THCS và THPT, nội dung giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác.
|
Hoạt động học tập giáo dục địa phương của học sinh trường THCS Nguyễn Công Trứ. |
Việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào Chương trình GDPT góp phần gìn giữ bản sắc, giáo dục giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Mỗi chủ đề trong tài liệu giáo dục địa phương được thiết kế theo từng bài học cụ thể, thông tin chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội... trên địa bàn mình sinh sống.
Cô Nguyễn Ngọc Dung- Phó Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Công Trứ chia sẻ, nhà trường luôn chú trọng việc tổ chức các chương trình mang tính giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh.
“Những nội dung này được giáo viên tích hợp hoặc sử dụng trong dạy các môn học ở khối lớp. Không dừng lại ở việc giảng dạy trên bục giảng, giáo viên còn kết hợp các giờ ngoại khóa nhằm giúp học sinh càng thêm thích thú, hăng say học tập, từ đó, khơi dậy trong các em ý thức giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống. Đó chính là nội dung quan trọng để góp phần giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh…”, cô Nguyễn Ngọc Dung chia sẻ.
Còn tại trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Ba Đình), ngay tiết học sinh hoạt dưới cờ vừa qua, nhà trường đã tổ chức hoạt động với cuộc thi tìm hiểu “Những chặng đường vẻ vang của Đảng”.
|
Học sinh trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc chăm chú lắng nghe các cô giáo chia sẻ tại Cuộc thi "Những chặng đường vẻ vang của Đảng". |
Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức trực tiếp tại mỗi lớp học với các em. Đây là dịp để Đội viên, nhi đồng trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc có cơ hội hiểu biết và thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện...
Đại diện Ban giám hiệu trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cho biết, qua hoạt động cuộc thi, học sinh đã có những trải nghiệm, kiến thức bổ ích về Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, góp phần khơi gợi niềm tự hào dân tộc với mỗi học sinh, khích lệ các con ra sức phấn đấu rèn đức, luyện tài, trở thành những công dân ưu tú, viết tiếp trang sử oanh liệt, làm rạng rỡ non sông, đất nước, vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.