Ngày nay, cùng với sự phát triển đi lên của xã hội, trẻ em được sống trong môi trường văn minh hơn, hiện đại hơn, nhưng kéo theo đó cũng có nhiều vấn đề nảy sinh, nhiều thách thức của cuộc sống ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển, trưởng thành của các em. Đặc biệt khi các em bước vào tuổi dậy thì, lứa tuổi "bất ổn" nhất của trẻ, các em có sự thay đổi cả về tâm lý và ngoại hình; vừa muốn khẳng định bản thân vừa cảm thấy rất cô đơn; tình cảm, suy nghĩ một đằng, lời nói, hành vi một nẻo và có không ít những hành vi mất kiểm soát… Vậy phải làm gì để để giúp các em phát triển tốt nhất? Thương cho roi cho vọt nên được hiểu như thế nào trong thời hiện đại? Và nếu không đánh, mắng thì chúng ta sẽ làm gì để giáo dục con em mình để chúng phát triển, trưởng thành đúng cách, phù hợp với sự phát triển của xã hội và mang tính nhân văn?
Ông Đoàn Tiến Trung - Phó Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy tham dự buổi toạ đàm
Bà Đoàn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường Mai Dịch tham dự buổi toạ đàm
Trả lời những băn khoăn đó và đồng thời cũng nhằm tăng cường công tác kết nối nhà trường, gia đình trong việc giáo dục học sinh, ngày 16/12/2023, trường THCS Mai Dịch phối hợp với Viện nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD Vietnam tổ chức tọa đàm với phụ huynh học sinh về chủ đề “Đồng hành cùng con theo hướng kỷ luật tích cực trong một thế giới thay đổi” với mục đích lan toả yêu thương, đẩy lùi bạo lực... Chương trình có sự tham dự của ông Đoàn Tiến Trung - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Cầu Giấy, bà Đoàn Thị Bích Ngọc - Phó chủ tịch UBND phường Mai Dịch, Ban giám hiệu nhà trường, 47 thầy cô chủ nhiệm các lớp, 122 vị phụ huynh đến từ 47 tập thể phụ huynh tại nhà trường; chương trình được Đài Truyền hình Hà Nội đến dự và đưa tin.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà giáo Đinh Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Làm cha mẹ là một cuộc hành trình xen lẫn giữa niềm hân hoan và sự bực bội, cảm giác vui sướng cũng như mệt mỏi. Sinh con, nuôi dưỡng con trưởng thành, dạy con tất cả những điều con cần để con có một cuộc sống hạnh phúc và thành công quả là một thách thức rất lớn.” Và chỉ có cha mẹ, người thầy đầu tiên, suốt đời của các con mới là người tạo ra niềm vui, niềm hạnh phúc thực sự cho bản thân, cho gia đình mình qua việc yêu thương đúng cách với những người thân yêu của mình, nhất là con cái. Phương pháp, cách thức để có được điều đó chính là mục đích quan trọng nhất của buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, những người tham dự đã trải qua rất nhiều trải nghiệm, rất nhiều xúc cảm, khi thì sôi nổi, hào hứng; lúc lại lắng xuống, ngậm ngùi xót xa… cùng MC Lan Hương và PGS-TS Lê Văn Hảo, chuyên gia tâm lý đến từ Viện nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD Vietnam qua phần chơi đuổi hình bắt chữ, những gợi mở ký ức kỷ niệm vui buồn cùng con, mình hiểu con chưa, những lý do xung đột cha mẹ, con cái; kết nối với con thế nào, ai là người cần thay đổi…?
Cũng tại buổi tọa đàm, thầy cô, bố mẹ đã cùng lắng nghe, đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia những khó khăn, những lo lắng, những lúng túng của nhiều bậc phụ huynh khi mất kết nối với con, khi bố mẹ từng làm tổn thương con, đang loay hoay tìm cách giáo dục con trong tuổi dậy thì…và được chuyên gia chia sẻ những phương pháp tích cực để giáo dục con trẻ với vai trò là người làm vườn, người đồng hành kết nối, hướng dẫn, ảnh hưởng chứ không phải là người họa sĩ vẽ những sắc màu cha mẹ yêu thích lên tờ giấy trắng là con mình; rất cần thiết phải kiểm soát cảm xúc bố mẹ trước mới xử lý tình huống với con…
Trên tinh thần khẳng định vai trò quan trọng của gia đình với các con và nhấn mạnh không có chuyên gia nào tốt nhất cho con bằng chính các bậc cha mẹ, tọa đàm chủ đề “Đồng hành cùng con theo hướng kỷ luật tích cực trong một thế giới thay đổi” đã mang lại những bài học giá trị, ý nghĩa cho thầy cô, cho những người làm cha mẹ: Người lớn phải là một tấm gương; kỷ luật tích cực cần dựa trên nền tảng của sự tôn trọng, kết nối, đồng cảm, thấu hiểu giữa cha mẹ, con cái; hình thức kỷ luật tích cực phải vừa mềm mỏng vừa kiên quyết, lấy tình yêu thương kết nối trước, chỉnh sửa sau, chỉnh sửa luôn đi cùng hướng dẫn sẽ biến kỷ luật khắc nghiệt, độc đoán của cha mẹ thành kỷ luật tích cực…sẽ đem lại sự gắn kết giữa ông bà, cha mẹ với con cái, nhằm tạo môi trường ấm áp, tràn đầy tình thương trước hết là trong gia đình cho các con. Đó chính là tiền đề để các con vượt qua thời kỳ “bão táp”, vượt qua căng thẳng; tự tin, tích cực hội nhập với môi trường sống; từng ngày rèn luyện đạo đức, ý thức kỷ luật; rèn luyện kỹ năng sống, thực hiện mục đích, mục tiêu phấn đấu trong học tập; từng bước giúp các con biết yêu thương đúng cách; có phẩm chất năng lực để thành công; có ý chí và nghị lực để vượt trội, trở thành những công dân có tri thức và trách nhiệm để cống hiến, biết thay đổi và thích nghi để hội nhập, biết chung sống và hòa hợp để hạnh phúc.
Với những ý nghĩa tốt đẹp, tích cực đó, chắc chắn những giá trị của buổi tọa đàm mà hạt nhân là kết nối yêu thương sẽ được lan tỏa rộng rãi trong cuộc sống mà trước hết là đến gia đình các con trường trung học cơ sở Mai Dịch tạo sự gắn kết, thống nhất cao giữa nhà trường và gia đình, thầy cô và bố mẹ để đồng hành hiệu quả cùng các con trong một thế giới thay đổi.